Bên cạnh các loại vật liệu lát sàn phổ biến như gạch men, thảm, … thì hiện nay trên trường xuất hiện rất nhiều loại vật liệu lát sàn khác như sàn gỗ tự nhiên, sàn nhựa dán keo, sàn nhựa hèm khóa, … Tuy nhiên được ưa chuộng và phổ biến hơn cả vẫn là các loại sàn gỗ công nghiệp. Không chỉ đa dạng về màu sắc vân gỗ đạt độ thẩm mỹ cao mà giá cả cũng phù hợp với nhiều người.
Nhưng nhiều khách hàng thường phân vân tự hỏi là liệu cách lắp đặt các loại sàn gỗ công nghiệp có khó không? Làm sao để đảm bảo chất lượng sử dụng được lâu dài? So với kỹ thuật lắp đặt các loại sàn khác như sàn gỗ tự nhiên, sàn nhựa,…giống nhau và khác nhau chỗ nào?
Bài viết hôm nay ít nhiều sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản về đặc điểm kỹ thuật lắp đặt các loại ván lát sàn gỗ công nghiệp. Hy vọng là những thông tin này có thể giúp quý khách hàng giải tỏa được những thắc mắc cũng như tiết giảm được một ít chi phí khi hoàn thiện thông qua việc tự mua sàn gỗ về và tự tay mình trải nghiệm lắp đặt.
Đầu tiên chúng ta cần phải hiểu đặc điểm cấu tạo của các loại ván sàn công nghiệp thường là có bốn lớp. Với lớp lõi là bột gỗ kết hợp với một số loại keo được ép với công nghệ cao tạo thành, lớp bề mặt có lớp vân giấy vân gỗ Melamine nhân tạo, trên cùng là lớp Oxit nhôm chống trầy xước giúp bảo vệ lớp vân gỗ, bên dưới cùng là lớp bảo vệ chống chịu nước. Bốn cạnh của tấm ván sàn công nghiệp đều có cấu tạo cạnh hèm âm dương đối nghịch nhau. Và các sản phẩm phổ biến thường có các độ dày 8 mm và 12 mm, một số dòng sản phẩm cao cấp Châu Âu có độ dày 9mm và 10mm. Về chiều dài thì phổ biến từ 800 mm đến 2400 mm, bản rộng từ 90 mm đến 200 mm. Trước đây các loại ván sàn công nghiệp đa phần là được nhập khẩu nhưng hai năm trở lại đây các sản phẩm Việt Nam xuất hiện cũng khá nhiều.
Về kỹ thuật lắp đặt sàn gỗ công nghiệp thì trước hết chúng ta cần phải lót một lớp xốp nhằm chống ẩm mốc và tạo độ cân bằng cho sàn gỗ, các bạn nên chọn xốp cao su hoặc xốp bạc thay cho xốp trắng ( thường được tặng kèm) thông thường để đạt hiệu quả cao hơn. Vì do có cấu tạo hèm khóa gài nên nhìn chung thì kỹ thuật lắp đặt sàn gỗ công nghiệp không khó bởi chúng được gắn kết với nhau bằng các cạnh hèm khóa có sẵn khác với sàn gỗ tự nhiên là phải dùng keo để tạo liên kết giữa các tấm ván hay các loại sàn nhựa Vinyl, thảm thì phải dùng keo dán xuống mặt nền.
Khác với các loại sàn gỗ tự nhiên khi lắp đặt chúng ta thường chia ron cho đẹp và độ khó cũng sẽ tăng lên ( ron: là tạo những khoảng cách nhất định giữa các tấm ván trên sàn thường thì chia ron 2, ron 3) thì các loại sàn gỗ công nghiệp việc có phân chia ron hay không còn tùy vào độ dày của ván, đa số các loại dày 8mm khi lắp đặt xong thường có cạnh mí gắn khít với nhau chính vì vậy chúng ta không cần chia ron mà chỉ cần chia các đoạn ván dài ngắn sao cho gắn kết so le với nhau là được nhằm tạo độ kết dính cứng chắc cho toàn bộ bề mặt sàn khi hoàn thiện, điều này sẽ giúp chúng ta tránh hao hụt ván quá nhiều tiết giảm chi phí.
Việc chia các đoạn dài ngắn chỉ bắt đầu ở hai đầu của nơi lắp đặt theo chiều dài chứ không phải theo bề rộng của tấm ván. Vì gắn kết bằng các cạnh hèm, chính vì vậy các bạn chỉ có thể cắt tấm ván làm hai đoạn ( có thể bằng nhau hoặc dài ngắn khác nhau) chứ không phải cắt thành nhiều đoạn bởi nếu không có cạnh hèm âm gắn với hèm dương thì sẽ không gắn kết các tấm sàn gỗ với nhau được. Một số loại dày 8mm bản nhỏ thì thường phải chia ron. Đối với các loại dày 12mm thì thường phải chia ron và kết hợp do có bản rộng nhỏ nên khi hoàn thiện cho cảm giác nhìn rất giống sàn gỗ tự nhiên. Tuy nhiên một số loại ván sàn công nghiệp dày 12mm nhưng có bản rộng và khi gắn kết lại thì mí hèm gắn khít thì chúng ta cũng không chia ron và làm giống gỗ 8mm.
Độ dày cũng như xuất xứ của các loại sàn gỗ công nghiệp cũng ảnh hưởng đến kỹ thuật lắp đặt. Thường thì các loại ván dày 12 mm sẽ khó lắp đặt hơn so với các loại dày 8 mm, đặc biệt là các dòng hàng xuất xứ từ Malaysia ( Khó bởi kết cấu cạnh hèm cứng chắc tạo độ gắn kết cao) sẽ khó làm hơn các loại ván lát sàn công nghiệp có xuất xứ từ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan. Trong khi đó các loại ván sàn công nghiệp có xuất xứ Châu Âu như Thụy Sỹ, Đức, Bỉ,…lại khá dễ để lắp đặt.
Một đặc điểm kỹ thuật mà người lắp đặt cần lưu ý là nên dùng búa cao su thay cho búa sắt khi lắp đặt bởi vừa nhanh hơn vừa dễ thực hiện hơn. Ngoài ra còn tránh được tình trạng gây bể cạnh hèm do cạnh hèm một số loại sàn gỗ công nghiệp thường có cấu tạo mỏng, mềm ( Ngoại trừ sàn gỗ Malaysia). Và nhớ phải lưu ý là khi lắp đặt sàn gỗ công nghiệp cũng phải chừa một khoảng hở kỹ thuật từ 8mm – 12mm so với tường để đảm bảo độ giãn nở cho sàn gỗ.
Cái khó của kỹ thuật lắp đặt sàn gỗ công nghiệp là chúng ta phải phải biết lấy ke cho thẳng ở những đường gỗ đầu tiên nếu không trong quá trình lắp đặt các tấm ván sẽ rất khó gắn kết với nhau và đôi lúc gây gãy bể cạnh hèm gây hao hụt ván. Kế đến là phải biết tính toán chia ron gỗ sao cho ít hao hụt ván nhất mà vẫn đảm bảo được tính thẩm mỹ. Ngoài ra việc lắp đặt sàn gỗ công nghiệp dễ hay khó, nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào các công cụ máy móc hỗ trợ mà bạn có như: máy cưa lọng, máy cắt 45 độ, máy cưa đĩa, máy mài, búa cao su, búa sắt, sung bắn silicon, khoan, đục, đinh, keo,…